Điều dưỡng viên là người tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời họ là người giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết 8 chuẩn mực đạo đức của một Điều dưỡng viên, bạn đọc hãy cùng theo dõi và tham khảo.
8 chuẩn mực đạo đức của một Điều dưỡng viên
Để hoàn thành tốt công việc của Điều dưỡng dù trước đó đã học tại các Trường Đại học hay tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng đều cần giỏi cả về kiến thức chuyên môn và có chuẩn mực đạo đức tốt.
Cùng tham khảo 8 chuẩn đạo đức của Điều dưỡng viên bao gồm:
Tiêu chuẩn 1: Đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người bệnh
Tương tự như đặc thù của các ngành Y Dược khác, đối tượng chính của ngành Điều dưỡng cũng là con người. Các công việc của ngành Điều dưỡng đều nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe, tính mạng người bệnh. Bởi vậy cần trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm hàng ngày.
Đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người bệnh là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp quan trọng của Điều dưỡng. Trong quá trình làm việc nếu xảy ra bất cứ một sai sót nào sẽ cần người hành nghề đứng ra và chịu trách nhiệm.
Tiêu chuẩn 2: Phải tôn trọng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân
- Đối với người bệnh
Điều dưỡng viên cần tôn trọng bất cứ yếu tố nào như giới tính, tuổi tác, danh dự, nhân phẩm của người bệnh. Bởi bên cạnh việc được khám và chữa bệnh thì bất cứ bệnh nhân nào cũng mong muốn nhận được sự tôn trọng từ đội ngũ các Y bác sĩ.
Khi thực hiện công việc Điều dưỡng sẽ cần phải tiếp xúc với nhiều người và những vấn đề không giống nhau. Tuy nhiên Điều dưỡng viên cần phải đối xử công bằng cho tất cả mọi người.
- Đối với người nhà người bệnh
Người hành nghề Điều dưỡng luôn giữ thái độ ân cần, lịch sự không được thô lỗ với người nhà bệnh nhân từ công việc hướng dẫn, tư vấn hoặc giải đáp bất cứ thắc mắc liên quan đến việc thăm, khám chữa bệnh.
Tiêu chuẩn 3: Giữ thái độ thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh
Điều dưỡng viên là người tiếp xúc nhiều với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng thời còn là cầu nối giữa bác sĩ với người bệnh nên luôn cần có thái độ ân cần, thân thiện như vậy sẽ giúp cho quá trình khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi và người bệnh hợp tác hơn.
Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, Điều dưỡng viên có thể dùng ngôn ngữ cơ thể. Với 1 nụ cười dành cho bệnh nhân sẽ là liều thuốc tinh thần tuyệt vời dành cho họ.
Tiêu chuẩn 4: Đề cao đức tính trung thực
Dù làm việc ở bất cứ ngành nghề nào đức tính trung thực cũng vô cùng quan trọng để có thể phát triển và gắn bó lâu dài và với ngành Điều dưỡng cũng vậy.
Tất cả mọi công việc Điều dưỡng viên thực hiện đều yêu cầu trung thực như quản lý, sử dụng thuốc, ghi chép hồ sơ bệnh án… Đặc biệt trong các hoạt động chuyên môn càng không được phép gian dối vì như vậy sẽ gây ra những hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Tiêu chuẩn 5: Không ngừng cải thiện, nâng cao trình độ cũng như chuyên môn nghề nghiệp
Một người Điều dưỡng cần thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để tích lũy kiến thức, cải thiện chuyên môn bản thân để áp dụng vào quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đạt hiệu quả cao nhất.
Ngày nay với sự phát triển của Y học và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng ngày càng tăng cao hơn nên ngoài thời gian làm việc, Điều dưỡng viên cũng cần tự học hỏi và trau dồi thêm những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý… Một Điều dưỡng giỏi sẽ được thể hiện qua kiến thức và kinh nghiệm họ đã tích lũy được.
Tiêu chuẩn 6: Giữ sự tự tôn nghề nghiệp của bản thân
Tự tôn chính là sự tự ý thức về giá trị bản thân của mỗi người. Có nhiều người cho rằng Điều dưỡng viên là người thực hiện công việc vặt theo lời bác sĩ. Nhưng trên thực tế Điều dưỡng là một ngành nghề riêng biệt và có vai trò vô cùng quan trọng trong nền Y tế của bất cứ quốc gia nào.
Bởi vậy mỗi Điều dưỡng viên cần tự ý thức việc giữ gìn danh dự cho bản thân và giá trị nghề nghiệp. Không được phép nhận hối lộ hoặc làm điều gì trái với phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên vì lợi ích cá nhân.
Tiêu chuẩn 7: Thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp
Một trong những yếu tố để thực hiện tốt công việc của Điều dưỡng viên là sự phối hợp giữa các phòng ban, hợp tác của những đồng nghiệp. Việc tôn trọng đồng nghiệp sẽ giúp bạn được nhận lại sự tôn trọng. Chính vì vậy hãy luôn giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cùng với đồng nghiệp để phát triển nhiều hơn nữa trong công việc.
Tiêu chuẩn 8: Tuân thủ cam kết với cộng đồng, xã hội
Tuân thủ cam kết với công đồng xã hội cũng là một trong những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp Điều dưỡng viên cần tuân thủ. Lời cam kết với cộng đồng, xã hội của Điều dưỡng viên như:
- Tất cả hành vi, lời nói phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
- Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, gương mẫu trong sinh hoạt địa phương.
Trên đây là 8 chuẩn mực đạo đức của một Điều dưỡng viên cần nhớ. Từ đó bạn đọc có thể chủ động tự trang bị cho mình những kĩ năng mềm và đặc biệt là trau dồi đạo đức nghề nghiệp.