Vàng da bệnh lý là gì? Dấu hiệu vàng da bệnh lý như thế nào? Cách điều trị ra sao?… Tất cả các thông tin về tình trạng vàng da bệnh lý trẻ sơ sinh sẽ được chúng tôi chia sẻ dưới bài viết. Bạn đọc hãy cùng theo dõi nhé.
Tìm hiểu chung bệnh vàng da bệnh lý trẻ sơ sinh
Bệnh lý vàng da sơ sinh xảy ra khá phổ biến và có thể do ứ đọng bilirubin gián tiếp hoặc bilirubin trực tiếp trong cơ thể.
Trẻ sơ sinh các tế bào hồng cầu sẽ luôn được tạo mới và phá hủy khi đó sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin chính là sắc tố màu vàng.
Bilirubin chuyển hóa tại gan và đào thải ra ngoài qua phân, nước tiểu tuy nhiên gan của trẻ sơ sinh còn yếu nên thải ra ngoài không hiệu quả dẫn đến tình trạng tăng bilirubin trong máu và điều này gây ra hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh.
Đa phần các trường hợp vàng da sinh lý sẽ dần hết sau khoảng 2 – 3 tuần khi trẻ phát triển hoặc bắt đầu bú sẽ giúp thải bilirubin ra khỏi cơ thể.
Vàng da bệnh lý là tình trạng vàng da có đi kèm theo các bất thường như:
- Xuất hiện tình trạng vàng da sớm trước 48 giờ sau sinh.
- Trẻ bị vàng toàn thân, vàng cả ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Kèm theo các triệu chứng bất thường khác như co giật, sốt, phân bạc màu, bỏ bú.
Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là tình trạng vàng da kéo dài trên 1 tuần ở trẻ đủ tháng và trên 2 tuần ở trẻ non tháng.
Nguyên nhân gây ra bệnh vàng da bệnh lý
Một số các nguyên nhân dẫn đến vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh như:
Tăng sản xuất bilirubin
Đây là nguyên nhân chính gây ra vàng da, trong đó có những nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin trong máu trẻ cao như:
- Do bất đồng nhóm máu mẹ con.
- Mắc bệnh lý tán huyết (thiếu men G6PD, nhiễm trùng, hồng cầu hình liềm)
- Bị xuất huyết dưới da.
- Chậm đi phân su.
- Bị tình trạng nhiễm trùng bào thai.
- Bệnh lý gan mật bẩm sinh (giãn đường mật, teo đường mật).
Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin
Do trẻ mắc một trong các bệnh lý như: hội chứng Crigler-Naajar, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, thiếu α1 antitrypsin…), trẻ sinh non, thiếu hụt hooc-môn, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền (galactosemia, suy giáp trạng bẩm sinh, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.
Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột
Trẻ sinh ra mắc tình trạng hẹp môn vị, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột non, sử dụng thuốc gây liệt ruột… sẽ có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột và dẫn đến vàng da.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh vàng da bệnh lý như:
- Trẻ sinh non: Các trường hợp trẻ sinh non trước 37 tuần có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và gan không có khả năng xử lý bilirubin như trẻ em được sinh đủ tháng.
- Trong khi sinh bị bầm tím.
- Người mẹ mang nhóm máu O hoặc nhóm máu Rhesus âm.
Trẻ em bú ít hoặc do mẹ không đủ sữa cho con bú. Tình trạng này khiến trẻ mất nước, thiếu năng lượng và tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da.
Ngoài ra sẽ còn rất nhiều các nguyên nhân và yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh vàng da bệnh lý khác mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh thắc mắc hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.
Các triệu chứng vàng da bệnh lý
Dấu hiệu vàng da bệnh lý trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Tình trạng vàng da xuất hiện sớm trước 24 – 36 giờ sau khi sinh.
- Mức độ vàng da vừa đến rõ, vàng toàn thân.
- Nhận thấy tốc độ vàng da tăng nhanh khó kiểm soát.
- Tình trạng vàng da kéo dài trên 1 tuần ngay cả khi trẻ được sinh đủ tháng hoặc kéo dài trên 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng.
Vàng da đi kèm với các triệu chứng bất thường khác như:
- Nôn mửa, buồn nôn.
- Bú kém, chướng bụng.
- Ngưng thở.
- Tim đập nhanh, chậm bất thường.
- Thân nhiệt hạ nhanh.
- Ban xuất huyết.
- Có các dấu hiệu thần kinh như ngủ lịm đi, li bì, gồng cứng người, hôn mê, co giật…
- Các triệu chứng của bệnh lý nguyên nhân như gan to, lách to.
Có cách nào để phát hiện vàng da sơ sinh?
Thường các triệu chứng xuất hiện vàng da sơ sinh sẽ bắt đầu từ mặt, thân mình, cẳng tay, cẳng chân và tới các vị trí ở lòng bàn tay, bàn chân. Để phát hiện bằng mắt thường có thể dùng ngón tay ấn vào da trong khoảng 5 giây và buông ra quan sát xem da có vàng không, cách tốt nhất nên quan sát dưới ánh sáng tự nhiên.
Khi đến các cơ sở y tế chuyên khoa bác sĩ sẽ sử dụng máy đo bilirubin qua da để từ đó kiểm tra mức độ vàng da. Trên thực tế thì kết quả qua máy đo có thể sai số so với kết quả xét nghiệm máu khoảng 3 – 5 mg%. Nếu kết quả đo qua da xảy ra bất thường bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân chính xác từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả.
Xem thêm:
- Những tác dụng của thuốc Vigentin bạn cần biết
- Biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh lý dạ dày hiệu quả
Các biện pháp điều trị bệnh vàng da bệnh lý
Đối với những trường hợp vàng da nhẹ sẽ tự hết khi gan của trẻ bắt đầu trưởng thành. Nên cho trẻ bú thường xuyên từ 8 – 12 lần/ ngày như vậy sẽ giúp trẻ đào thải tốt bilirubin ra khỏi cơ thể.
Đối với các tình trạng vàng da nặng hơn sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác như:
Chiếu đèn
Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, khá an toàn, đơn giản. Phương pháp này sẽ sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc và được đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.
Khi chiếu đèn trẻ sẽ cởi bỏ quần áo, ở trần nhưng cần che kín mắt và bộ phận sinh dục để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
Phương pháp này sẽ được chỉ định 24 giờ ngay sau khi sinh để hạn chế tình trạng gây ra các tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Thay máu
Đây là phương pháp sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc mắc các triệu chứng thần kinh khác.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ sử dụng một hoặc nhiều phương pháp khác nhau. Việc phơi nắng vào buổi sáng sẽ không giúp điều trị vàng da bệnh lý vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài để đạt được hiệu quả.
Hy vọng với những thông tin ở trên bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh từ đó phụ huynh sẽ chăm sóc con tốt hơn, tuy nhiên chỉ mang tính chất tham khảo nếu có thắc mắc bạn đọc hãy tham khảo bác sĩ chuyên khoa.