Khi mắc bệnh lý giảm tiểu cầu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thậm chí có những biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu những thông tin về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Bệnh lý giảm tiểu cầu là gì?
Tiểu cầu là những tế bào nhỏ, không màu, không có nhân, lưu thông trong máu, cùng với bạch cầu và hồng cầu. Chúng được tạo ra trong tủy xương và đóng một vai trò thiết yếu trong các giai đoạn đông máu nhất định.
Giảm tiểu cầu là thuật ngữ được dùng để mô tả tình trạng tiểu cầu thấp hơn mức bình thường trong máu, số lượng tiểu cầu dưới 150.000 tế bào/ micro lít máu. Dù số lượng tiểu cầu giảm nhưng chức năng của chúng vẫn được duy trì.
Đối với các trường hợp giảm tiểu cầu nhẹ, chức năng cầm máu và đông máu có thể vẫn bình thường. Tuy nhiên, khi số lượng tiểu cầu quá thấp thì quá trình đông máu sẽ bị chậm lại, điều này có thể gây chảy máu tự phát bên ngoài, chảy máu dưới da hoặc chảy máu bên trong.
Những điều cần biết về bệnh lý giảm tiểu cầu
Xem thêm: Bệnh lý cường giáp và những dấu hiệu cảnh báo
Triệu chứng nhận biết của bệnh lý giảm tiểu cầu
Bệnh lý giảm tiểu cầu có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho đến nặng. Với mỗi mức độ sẽ có dấu hiệu, triệu chứng khác nhau để có thể dễ dàng nhận biết tình trạng bệnh. Cụ thể:
– Mức độ nhẹ: Người bệnh thường không có triệu chứng và chỉ tình cờ phát hiện khi thực hiện xét nghiệm huyết đồ.
– Mức độ nặng với khoảng dưới 20.000 tế bào tiểu cầu trên 1 micro lít máu: Có thể gây ra các triệu chứng như chảy máu kéo dài khi bị đứt tay/ chân, phụ nữ sẽ bị ra nhiều máu hơn trong thời kỳ kinh nguyệt.
– Mức độ nặng với khoảng dưới từ 10.000 – 20.000 tế bào tiểu cầu trên 1 micro lít máu: Các triệu chứng thường gặp là xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc mũi, miệng, họng, niêm mạc ống tiêu hóa (chảy máu chân răng, chảy máu cam, có máu trong nước tiểu hoặc phân…).
– Xuất hiện các nốt xuất huyết giảm tiểu cầu: Các vết xuất huyết nhỏ dưới da, có màu đỏ, kích thước bằng đầu kim, phẳng và thường xuất hiện ở 2 cẳng chân. Đây là triệu chứng của xuất huyết ở các mao mạch dưới da hoặc niêm mạc.
– Xuất hiện ban xuất huyết giảm tiểu cầu: Các nốt xuất huyết dưới da có đường kính trên 3mm, có thể do sự hội tụ của các nốt xuất huyết ở trên.
Nguyên nhân gây ra bệnh lý giảm tiểu cầu
Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiểu cầu bao gồm: giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương và tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi. Trong đó, một số nguyên nhân gây bệnh đã được xác định như:
- Nhiễm virus cúm, quai bị, sởi, viêm gan siêu vi.
- Do tình trạng nhiễm trùng nặng và nhiễm kí sinh trùng.
- Do tác động của các bệnh có lách to như xơ gan và cường lách.
- Do các bệnh về máu như suy tủy toàn bộ, xơ tủy, ung thư hạch, ung thư máu, ung thư tủy di căn, thiếu máu tiêu huyết tự miễn.
- Do tác động từ các độc chất và một số loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc hạ nhiệt, một số loại thuốc cảm cúm…
- Ảnh hưởng của các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp, viêm nút động mạch…
- Một số trường hợp thiếu tiểu cầu không xác định được nguyên nhân thường gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Những điều cần biết về bệnh lý giảm tiểu cầu
Xem thêm: Thuốc lopran là gì? Những điều bạn nên biết về thuốc lopran
Bệnh lý giảm tiểu cầu có mức độ nguy hiểm như thế nào?
Giảm tiểu cầu là bệnh lý có nhiều mức độ từ nhẹ cho đến nguy hiểm, nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, tiểu cầu có vai trò quan trọng trong việc cầm máu và giảm thiểu tình trạng xuất huyết gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nếu lượng tiểu cầu trong cơ thể con người bị giảm xuống mức cho phép, người bệnh không chỉ dễ dàng bị xuất huyết mà khả năng đông máu và chống nhiễm trùng của cơ thể cũng bị giảm hoàn toàn. Khi đó có thể xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, vùng dưới da bị xuất huyết, hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não gây tử vong.
Vì vậy, nếu có dấu hiệu, triệu chứng giảm tiểu cầu trong cơ thể hãy đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời.
Cách hỗ trợ điều trị khi bị giảm tiểu cầu
Người mắc bệnh thiếu tiểu cầu cần thực hiện chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống phù hợp, có lợi như sau:
– Chế độ ăn uống:
- Uống rượu ở mức độ vừa phải hay ngưng uống, bởi vì rượu làm chậm quá trình sản xuất tiểu cầu. Bên cạnh đó tránh ăn các đồ ăn đông lạnh, giảm ăn các loại như gạo trắng, lúa mì trắng và các sản phẩm thực phẩm đã qua tinh chế.
- Nên ăn các thực phẩm tươi, nhất là rau củ, trái cây tươi. Các thực phẩm còn ở dạng thô như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức và lúa mì cũng rất có lợi. Ăn nhiều loại thực phẩm tốt cho cơ thể như sữa ít béo, thịt nạc, đậu và cá. Các thực phẩm này sẽ giúp cơ thể thêm nhiều năng lượng, hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.
– Chế độ vận động và sinh hoạt:
- Không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần phải hỏi ý kiến bác sĩ. Một số thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến tiểu cầu như ibuprofen và aspirin.
- Tránh các hoạt động có thể gây ra chấn thương, dễ bị va chạm và cần gắng sức nhiều như bóng đá, quyền anh đối kháng…
- Tăng cường rèn luyện thể dục để nâng cao khả năng phòng tránh và ngăn chặn bệnh tự nhiên.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh lý giảm tiểu cầu cũng như có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp khi mắc bệnh.