Hiện nay, có nhiều người gặp các tình trạng đau nhức vai, khó vận động với nguyên nhân có thể do tính chất công việc ngồi làm việc với máy tính, vận động mạnh hay sai tư thế… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cấu tạo và các bệnh lý khớp vai, từ đó chủ động phòng tránh bệnh hiệu quả.
Giải phẫu khớp vai
Khớp vai gồm 3 xương tham gia: xương đòn, xương bả vai và chỏm xương cánh tay. Các xương này kết hợp với nhau bằng các mô mềm như cơ, gân, dây chằng và bao khớp tạo thành một khối cho vai làm hoạt động.
Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp. Chóp xoay gồm 3 cơ (cơ dưới gai, cơ trên gai, cơ tròn bé), kết hợp với nhau thành một giải cân bao quanh bám tận vào mấu động lớn xương cánh tay. Chóp xoay có chức năng xoay cánh tay ra ngoài và nâng cánh tay.
Có một bao gọi là túi hoạt mạc lót giữa chóp xoay và phần dưới của mỏm cùng vai. Túi này giúp chóp xoay không bị va chạm vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Khi chóp xoay bị rách hoặc chấn thương, túi hoạt mạc có thể bị viêm và gây nên viêm khớp vai hoặc đau.
Tìm hiểu về các bệnh lý khớp vai phổ biến
Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh lý giảm tiểu cầu
Tìm hiểu các bệnh lý khớp vai thường gặp
Cứng khớp vai
Cứng khớp vai là nguyên nhân gây đau và cứng trong khớp, càng ngày khớp càng khó vận động. Cứng khớp vai chiếm khoảng 2% các tổn thương ở vai, thường gặp ở nữ giới và chủ yếu ở nhóm tuổi 40 – 60.
Trong bệnh lý khớp vai này, bao khớp dày lên và cứng chắc, giảm dịch khớp và cứng các dải mô quanh khớp. Biểu hiện của cứng khớp vai là người bệnh không thể vận động khớp vai ngay cả khi có sự trợ giúp của người khác. Có 3 giai đoạn cứng khớp vai là:
- Giai đoạn đông lạnh: Vai bắt đầu bị đau và ngày càng tăng nặng, mất biên độ vận động. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 6 – 9 tháng.
- Giai đoạn đông cứng: Triệu chứng đau giảm dần nhưng khớp vai vẫn cứng, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động hằng ngày. Tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng 4 – 6 tháng
- Giai đoạn rã đông: Vận động khớp vai cải thiện từ từ, trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng đến 2 năm.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ cứng khớp vai là: tiểu đường, cường giáp, mắc bệnh nhược giáp, bệnh tim mạch, bệnh Parkinson. Bên cạnh đó, tình trạng cứng khớp vai cũng có thể do các nguyên nhân như: bị chấn thương hoặc di chứng sau phẫu thuật khớp vai.
Đau khớp vai
Sự kết hợp của gân cơ và hình dáng khớp vai cho phép cánh tay có biên độ vận động rộng. Sự chuyển động này khiến khớp vai có thể gặp các vấn đề như mất vững, chèn ép của cấu trúc xương hay các mô mềm của vai, gây đau khớp vai. Người bệnh có thể bị đau khi vận động tay, đau liên tục, tạm thời hoặc kéo dài.
Tình trạng đau khớp vai chủ yếu do những nguyên nhân như: viêm bao hoạt mạc, viêm gân hoặc rách gân, hội chứng bắt chẹn vai, mất vững khớp vai, gãy xương (thường bao gồm xương đòn, xương cánh tay và xương bả vai), viêm khớp vai, thoái hóa khớp vai, nhiễm trùng, u bướu, tổn thương thần kinh…
Tìm hiểu về các bệnh lý khớp vai phổ biến
Xem thêm: Một số bệnh lý cột sống thắt lưng thường gặp và cách phòng ngừa
Viêm khớp vai
Viêm quanh khớp vai gây đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương gân, cơ, dây chằng, bao khớp… Các nguyên nhân chính gây viêm khớp vai là:
- Thoái hóa khớp: Sự thoái hóa khớp do mài mòn và rách, hoặc làm mất đi sự trơn láng mặt khớp. Tình trạng này thường gặp ở người trên 50 tuổi, chủ yếu ở khớp cùng đòn, ít gặp ở khớp ổ chảo cánh tay.
- Viêm khớp sau chấn thương: Đây là một dạng của thoái hóa khớp sau khi chịu sang chấn như trật khớp vai hoặc gãy xương. Viêm khớp thoái hóa cũng có thể phát triển sau rách chóp xoay.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh hệ thống gây viêm mặt khớp hay bao khớp và có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi.
Triệu chứng của viêm khớp vai chủ yếu là đau đớn nghiêm trọng và giảm biên độ vận động hoặc không thể vận động vai. Theo tiến trình của bệnh, có thể có những hoạt động của vai gây đau, đặc biệt là đau về đêm gây khó ngủ cho bệnh nhân.
Chấn thương vùng vai
Chấn thương vùng vai là bệnh lý khớp vai thường gặp, với nhiều loại chấn thương vùng vai như:
- Trật khớp: Là tình trạng 2 mặt khớp không trượt được với nhau. Chấn thương khớp vai do trật khớp thường liên quan tới 1 trong 3 khớp: trật khớp cùng đòn, trật khớp ức đòn và trật khớp ổ chảo cánh tay. Người bị trật khớp cùng đòn có biểu hiện đau bên ngoài vai, có khối nhô lên hay lạo xạo phần bên ngoài vai. Bệnh nhân trật khớp vai có triệu chứng không thể vận động vai, bàn tay xoay ngoài, cánh tay bất lực, không nhấc lên được.
- Gãy xương: Thường gặp nhất là gãy xương đòn, xương bả vai và đầu trên xương cánh tay. Gãy xương đòn có biểu hiện sưng vùng giữa xương đòn, có tiếng lạo xạo xương hoặc có sự trồi lên của đầu xương ở dưới da, hạn chế biên độ vận động khớp. Bệnh nhân bị gãy xương bả vai thường bị đau, sưng nề và bầm tím vùng bả vai. Người bị gãy đầu trên xương cánh tay có triệu chứng sưng, đau nhói và hạn chế vận động vùng vai.
- Tổn thương phần mềm: Là tình trạng rách gân, cơ, dây chằng, bao khớp, rách chóp xoay, rách sụn viền.
Rách chóp xoay
Rách chóp xoay là nguyên nhân thường gặp gây đau đớn và hạn chế vận động khớp vai ở người lớn. Tình trạng này khiến vai bị yếu và ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Có nhiều loại rách chóp xoay:
- Rách một phần: Chỉ rách ở mô mềm nhưng không đứt rời hoàn toàn.
- Rách toàn phần: Bề dày chóp xoay bị rách hết, chia mô mềm làm 2 phần, đa phần gân rách là ở chỗ bám của gân và xương.
Có 2 nhóm nguyên nhân gây rách chóp xoay là chấn thương và thoái hóa. Cụ thể:
- Thoái hóa: Đây là sự thoái hóa tự nhiên theo thời gian. Những yếu tố làm tăng nguy cơ rách chóp xoay thoái hóa là lặp đi lặp lại một động tác làm căng thẳng gân cơ chóp xoay (chơi bóng chày, đẩy tạ, chèo thuyền…), thiếu máu nuôi chóp xoay khi về già, chẹn vào chóp xoay khi nâng tay lên, chồi xương hình thành ở bờ dưới mỏm cùng vai, về lâu dài gây yếu gân và rách gân.
- Chấn thương: Rách cấp khi bị chấn thương. Trong loại này, chóp xoay rách có thể kèm theo một tổn thương khác như gãy xương đòn hoặc trật khớp vai.
Triệu chứng rách chóp xoay chủ yếu là đau vai, đặc biệt là khi giơ cao tay sang một bên. Bên cạnh đó, vết rách trên gân cơ quay khớp vai khiến vai yếu đi nhiều.